Cách chăm sóc cây Vạn lộc để cây sinh trưởng và phát triển tốt đang được rất nhiều người quan tâm. Loài cây này vốn dễ trồng, được làm cảnh trong phòng khách, văn phòng hoặc bàn làm việc nhờ ý nghĩa mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Vậy, làm thế nào để chăm sóc cây đúng cách? Hãy cùng Tapchicaycanh giải đáp thắc mắc này qua bài viết dưới đây.
Tên gọi, nguồn gốc và phân loại cây Vạn lộc

Cây Vạn Lộc có hai loại phổ biến: Vạn Lộc Xanh và Vạn Lộc đỏ
Tên gọi và nguồn gốc
Cây Vạn lộc hay còn được gọi là cây Thiên Phú, tên khoa học là Aglaonema rotundum pink. Cây thuộc họ Ráy, có nguồn gốc từ Thái Lan, Indonesia và hiện được trồng phổ biến tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Phân loại cây Vạn lộc
Cây Vạn lộc có nhiều loại khác nhau, nhưng hiện phổ biến nhất tại Việt Nam có thể kể đến 2 loài: Vạn lộc xanh và Vạn lộc đỏ. Người ta phân loại giống cây này dựa trên màu sắc lá. Vạn lộc xanh có lá màu xanh nhạt, trên lá điểm xuyết một vài đốm trắng. Vạn lộc đỏ có lá màu hồng đậm, viền lá màu xanh.
Đặc điểm cây Vạn lộc
Cây Vạn lộc có thân cây nhỏ, chỉ cao trung bình 60cm, cành màu xanh thẩm. Thân cây này không phân nhánh, mọc thẳng, một gốc một bụi. Loài cây này bắt mắt nhờ những tán lá xanh hồng nổi bật, lá to, hình bầu dục, tỏa đều trên thân cành xanh mướt. Vạn lộc cũng ra hoa; hoa của cây này rất đặc biệt, hình dạng giống với ngón tay út, màu trắng ngà, được bao bọc bởi tràn hoa mỏng.
Là cây cảnh trồng trong nhà phổ biến, cây Vạn lộc được ưa chuộng bởi vẻ đẹp đơn giản, cây lại dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở cả môi trường đất và thủy sinh. Loài cây này ưa bóng, thích hợp trồng ở nơi có nhiệt độ trung bình và độ ẩm cao. Cách chăm sóc cây Vạn lộc rất đơn giản, chỉ cần tưới nước đầy đủ cây sẽ phát triển và ra hoa như mong đợi.
Ý nghĩa phong thủy của cây Vạn lộc

Cây vạn lộc thu hút tài khí, sự giàu sang và thịnh vượng
Cây Vạn lộc thu hút người chơi cây kiểng bởi màu sắc bắt mắt và kích thước vừa phải. Loại cây này thường được trồng trong phòng khách hoặc văn phòng để trang trí và làm đẹp cho không gian.
Bên cạnh đó, cây Vạn lộc còn có tác dụng thanh lọc không khí, giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm môi trường, khí độc, bụi mịn. Đồng thời, màu xanh đỏ của cây còn giúp thư giãn đầu óc, giảm áp lực, căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Đặc biệt, nhiều người thích trồng cây Vạn lộc bởi ý nghĩa phong thủy của cây này. Thông qua tên gọi cũng có thể biết được đây là loài cây tượng trưng cho may mắn, tài lộc. Cây trồng trong nhà với mong muốn thu hút tài khí, sự giàu sang và thịnh vượng. Khi hoa nở cũng là điềm báo may, tài lộc chuẩn bị về tới nhà. Vì vậy, nhiều người lưu ý cách chăm sóc cây Vạn lộc để cây phát triển tốt, sớm ngày ra hoa.
Xem thêm: Cây vạn lộc có độc không? Những lưu ý khi trồng cây vạn lộc
Hướng dẫn cách trồng và cách chăm sóc cây Vạn lộc

Hướng dẫn cách chăm sóc cây vạn lộc đơn giản tại nhà
Cách trồng cây Vạn lộc
Cây Vạn lộc thường được nhân giống bằng việc tách chồi; cây con sẽ được tách từ bụi mẹ ra và gieo trồng trong đất hoặc nước tùy vào gia chủ.
Nếu trồng thủy sinh, chỉ cần rửa sạch bộ rễ và bỏ cây vào ly nước sạch (có thể nhỏ thêm vài giọt dung dịch thủy sinh để cây phát triển tốt hơn). Có thể dùng sỏi trắng cố định thân cây. Tuy nhiên, cần để sỏi nhẹ nhàng, tránh làm dập thân và rễ của cây.
Nếu trồng trong đất, cần chọn chậu có kích thước phù hợp, nhớ dùng đất tơi xốp và bón phân lót trước khi trồng cây. Trước tiên, để đất cao khoảng 1/4 chậu; sau đó nhẹ nhàng đặt gốc cây xuống, nhẹ nhàng cho phần đất còn lại vào. Lưu ý không ém đất mạnh, cần tạo độ thông thoáng để thoáng nước và cung cấp oxy cho rễ.
Là cây ưa bóng, Vạn lộc chỉ chịu được độ chiếu sáng tối đa khoảng 40%, nếu trồng cây ở nơi có ánh sáng mạnh, lá sẽ xuất hiện các đốm cháy; lâu dần cành lá sẽ khô héo và chết.
Cách chăm sóc cây Vạn lộc
Cách chăm sóc cây Vạn lộc cực kỳ đơn giản, chỉ cần đảm bảo một vài yếu tố dưới đây, cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt:
Ánh sáng
Như đã đề cập phía trên, Vạn lộc là loài cây ưa bóng, vì thế không nên để cây ở nơi có ánh nắng gay gắt. Tuy nhiên, cây có hai sắc tố xanh, đỏ, tốt nhất nên phơi nắng vào độ 7h sáng để cây tự tổng hợp sắc tố này.
Nhiệt độ
Đảm bảo nhiệt độ phù hợp cũng là một trong những cách chăm sóc cây Vạn lộc nhanh ra hoa. Cây này phù hợp với nhiệt độ trung bình, không quá nóng cũng không quá lạnh.
Nước tưới
Cây Vạn lộc không ưa nhiều nước, chỉ cần tưới 2-3 lần/ tuần để cung cấp đủ nước cho cây. Có thể dùng bình phun sương để tưới cây mỗi ngày, tuy nhiên, chỉ phun nhẹ, không tưới quá ướt.
Phân bón
Một trong những cách chăm sóc cây Vạn lộc hiệu quả chính là bón phân cho cây. Ưu tiên phân hữu cơ để giúp đất tơi xốp; có thể bón thêm mùn, xơ dừa để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.
Vậy là Tapchicaycanh.com vừa giải đáp chi tiết về phương pháp trồng cũng như cách chăm sóc cây Vạn lộc phát triển tốt, mau ra hoa. Hy vọng, các thông tin trên có thể giúp quý bạn đọc tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trồng cây thú vị.